UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận nội dung báo cáo của Sở QH-KT TP về tiếp thu, hoàn chỉnh nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. UBND TP giao Sở QH-KT khẩn trương tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, các chuyên gia và người dân theo quy định, hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, tham mưu UBND TP trình Bộ Xây dựng thẩm định trong quý I-2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Bốn khu đô thị cần phát triển
Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được xây dựng, Sở QH-KT TP đã nêu định hướng phát triển cho các khu vực đô thị, trong đó đề ra giải pháp cho khu đô thị (KĐT) hiện hữu và khu vực phát triển mới.
Trong giải pháp cho khu vực phát triển mới, Sở QH-KT TP đề xuất các phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian TP để phát triển trong tương lai. Trong đó, trọng tâm là TP Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, KĐT - cảng Hiệp Phước, KĐT Tây Bắc, KĐT Bình Quới - Thanh Đa, KĐT du lịch biển Cần Giờ. Trên thực tế, các KĐT này (ngoại trừ KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ vừa được phê duyệt 1/500) đã được TP xác định phát triển và đưa vào quy hoạch trong nhiều năm qua nhưng đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa thể triển khai đúng theo kế hoạch.
Đơn cử như KĐT Tây Bắc nằm trong quy hoạch từ năm 2010 về định hướng phát triển TP.HCM. Đến nay, KĐT Tây Bắc (quy hoạch 6.000 ha) đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347 ha của giai đoạn 1. Hiện dự án cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỉ lệ 1/5000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư.
Còn KĐT Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) quy hoạch thành khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí có từ năm 1992. Qua nhiều lần thay đổi quy hoạch, nhiều nhà đầu tư đến rồi lại đi. Đến nay dự án vẫn nằm trên giấy và chưa hẹn ngày triển khai.
Tương tự, KĐT Hiệp Phước có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể KĐT cảng Hiệp Phước (3.900 ha). Đây là KĐT mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển. Theo quy hoạch, KĐT này được xây dựng thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp (đã đầu tư hơn 10 năm qua); giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng (đang được đầu tư); giai đoạn 3 phát triển một KĐT với quy mô gần 200.000 dân. Tương lai, KĐT Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ lột xác từ vùng đất thấp trũng thành đặc khu kinh tế, đô thị biển có chất lượng sống cao.
Ngoài ra, UBND TP cũng vừa ban hành các quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ - phân khu A, B, C, D, E. Tính chất quy hoạch của KĐT biển này bao gồm khu vui chơi, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, chung cư, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ hạ tầng.
Cần lưu ý các vấn đề khác
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chung nên cần có cái nhìn tổng thể, đánh giá lại phát triển quy hoạch trong thời gian qua, cũng như đề ra các quy hoạch mang tính định hướng cao. Ông Sơn cho rằng thử thách lớn với TP.HCM hiện nay là quy hoạch đô thị và quy hoạch về hạ tầng đều mang tính định hướng chiến lược nhưng đồng thời TP cũng không thể đầu tư dàn trải vì nguồn lực không đảm bảo.
“Dàn trải nhiều thì không có đủ ngân sách làm, ví dụ như KĐT Bình Quới - Thanh Đa đúng là có tiềm năng nhưng nếu chúng ta làm cùng lúc thì không đủ sức. Tuy nhiên, quy hoạch thì chắc chắn phải có định hướng, để phát triển, kết nối như thế nào trong tương lai” - ông Sơn lưu ý.
Theo quy hoạch cũ, KĐT Hiệp Phước có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể KĐT cảng Hiệp Phước (3.900 ha).
Theo ông Sơn, trong giai đoạn sắp tới, ưu tiên số một vẫn là phát triển về phía đông, hoàn thiện hạ tầng như các đường vành đai, rồi kết nối sân bay Long Thành…
Còn TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng phát triển một KĐT liên quan đến nhiều vấn đề và nhiều khó khăn như bài toán đầu tư khu Thanh Đa lâu nay vẫn chưa làm được.
“Định hướng là như vậy nhưng theo tôi, hiện nay TP còn thiếu nguồn lực về nhiều mặt, như phải có con người đô thị, hạ tầng đô thị, quản lý hành chính đô thị, phát triển văn hóa - xã hội… Chưa nói, thời đại 4.0 còn liên quan đến đô thị thông minh, công nghệ số…” - ông Hùng phân tích.
Ngoài ra theo ông Hùng, khi phát triển một KĐT thì bài toán hạ tầng giao thông cần xem xét kỹ. Như hạ tầng khu Bình Quới phải có các cầu kết nối, còn khu Tây Bắc liên quan đến các khu công nghiệp tập trung nhiều, dẫn đến quá tải quốc lộ 22 và các đường xuyên tâm.
Mở rộng, phát triển là xu thế tất yếu
|
Đức Quý