"Chứng khoán và BĐS là hai bình thông nhau về dòng vốn đầu tư, trong đó, BĐS luôn đi sau chứng khoán 1 nhịp. Khi BĐS chậm lại, dòng tiền đổ về chứng khoán mạnh hơn để tìm kiếm những kênh chốt lời nhanh, linh hoạt. Sau thời kỳ chứng khoán thăng hoa, một lượng lớn dòng vốn chốt lãi từ chứng khoán sẽ đổ vào BĐS để giữ tiền, còn gọi là xu hướng hiện thực hóa tài sản. Mặt khác, nếu thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn". Đó là nhận định của ông Mai Đức Toàn – Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group.
TẠM THỜI CHUYỂN KÊNH ĐẦU TƯ
Tính đến cuối tháng 5/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,25 triệu tài khoản, trong đó có gần 99% tài khoản của cá nhân trong nước, tăng hơn 742.000 tài khoản so với cùng kỳ năm trước. Phiên giao dịch sáng ngày 1/6 vượt 21.700 tỉ đồng chưa từng ghi nhận trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam khiến hệ thống giao dịch của Hose liên tục đơ, nghẽn. Dù vậy sự cố này không thể ngăn cản dòng tiền liên tục đổ vào thị trường chứng khoán, trong đó chứng khoán và ngân hàng đang là tâm điểm của sự chú ý.
Sàn HOSE bị nghẽn lệnh ngày càng sớm
Theo ông Mai Đức Toàn, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt đang chứng kiến chu kỳ thăng hoa, dòng tiền từ BĐS đang có xu thế đổ về chứng khoán. Tuy nhiên, việc thị trường tăng "nóng" khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng sẽ có đợt điều chỉnh mạnh khi VN-Index chạm mốc 1.200 điểm. Mặt khác, việc chứng khoán tăng trưởng quá nhanh cũng tiềm ẩn một số rủi ro về bong bóng chứng khoán, đặc biệt ở đỉnh chu kỳ thì việc xuống dốc nhanh chóng là câu chuyện thường thấy. Nhà đầu tư chứng khoán không am hiểu thị trường, chạy theo tâm lý đám đông, đầu cơ, lướt sóng nếu chọn sai cổ phiếu hoặc chọn sai thời điểm mua - bán thì sẽ có khả năng mất trắng khoản tiền lớn chỉ trong vài ngày.
Vì vậy, đây là thời điểm để nhà đầu tư gom tiền từ cổ phiếu, tiếp tục tìm cơ hội ở các kênh đầu tư khác an toàn hơn và dễ dàng gia tăng lợi nhuận. Một cách dễ hiểu hơn, dòng tiền từ BĐS đổ về chứng khoán chỉ là câu chuyện trong ngắn hạn. Bởi sau khi chốt lời từ chứng khoán, nhà đầu tư sẵn sàng rút cả vốn lẫn lãi hoặc một phần trong số đó quay ngược về BĐS để bảo vệ tài sản và tìm kiếm lợi nhuận ổn định từ kênh đầu tư "vua" này.
THỊ TRƯỜNG LÃI SUẤT TIẾT KIỆM THẤP, VÀNG, BITCOIN NHIỀU RỦI RO
Xét về các kênh đầu tư truyền thống, lãi suất tiết kiệm đang trong vùng thấp chưa từng thấy, khả năng sinh lời rất thấp. Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2-3,9%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4-6%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ ở mức 5,6-6,8%/năm.
Còn thị trường vàng sau thời gian tăng nóng và chạm mốc 62 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 8/2020 thì nay liên tục rơi tự do và hiện chỉ giao dịch ở mức 55,5 triệu đồng/lượng. Đà giảm này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp diễn do những thông tin tích cực về vắc xin phòng chống dịch COVID-19.
Bitcoin sập giá, nhà đầu tư non trẻ nếm thất bại đầu 2021
Trong khi đó, bitcoin đã đạt mức giá cao nhất mọi thời đại gần ở mốc 62.000 USD, nhưng sau đó lập tức sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 31.000 USD. Đà tăng giảm này rất giống năm 2017, khi giá bitcoin và vài đồng tiền số khác cũng liên tục tăng đến mức kỷ lục, rồi vỡ vụn. Nhiều nhà đầu tư đã mất cả đống tiền sau một đêm khi không kịp bán ở đỉnh giá.
Nếu như thị trường lãi suất, chứng khoán, vàng, bitcoin,… nhiều rủi ro thì bất động sản đang được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và có khả năng sinh lời cao nhất vào thời điểm này. Trong đó, bất động sản vùng vệ tinh TP.HCM đang được nhiều nhà đầu tư săn đón do ngưỡng giá "chạm đáy".
Theo ông Toàn, mặc dù đợt dịch này chưa kết thúc, thị trường BĐS đang chững lại song chúng ta đang có một số tín hiệu tích cực, tác động mạnh vào khả năng phục hồi của thị trường BĐS.
Điển hình phải kể đến chương trình vaccine được đẩy mạnh. Theo thông tin gần đây nhất thì Việt Nam vừa đàm phán mua 170 triệu liều vaccine, nhiều khả năng chúng ta đủ vaccine tiêm cho 70% dân số và đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Như vậy nếu mọi việc thuận lợi thì mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần phục hồi và thị trường bất động sản cũng có tín hiệu khởi sắc trở lại trong quý 1/2022. Khi đó dịch bệnh sẽ không còn là vấn đề đáng ngại của thị trường BĐS.
Tổng kết, thị trường chứng khoán đang trong đỉnh chu kỳ thăng hoa, dù ngắn hạn nguồn tiền đổ về BĐS đang bị "chia lửa" cho chứng khoán. Song trong trung hạn, nhà đầu tư từ chứng khoán có thể chốt cả vốn lẫn lời để đổ toàn bộ hoặc một phần về BĐS tìm kênh trú ẩn an toàn, giúp thị trường sôi động trở lại.
Đức Quý