Sáng 21/4, UBND tỉnh Long An khởi công Đường tỉnh (ĐT) 830E (đường Song hành vành đai 4). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 3.707 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng 1.213 tỉ đồng, vốn giải phóng mặt bằng 2.494 tỉ đồng. Tuyến đường mới đi qua vùng phát triển công nghiệp, dân cư đô thị rất nhiều tiềm năng, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới. Lễ khởi công diễn ra trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công ĐT.830E
Tham dự lễ khởi công có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết, Long An từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh, đặc biệt là các địa phương đang phát triển công nghiệp, phù hợp theo quy hoạch giao thông tỉnh đến năm 2030 và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An. Theo ông Được, dự án ĐT 830E là dự án thứ hai được khởi công xây dựng trong năm 2023 này (sau dự án ĐT 823D - huyện Đức Hòa). Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. ĐT 830E là tuyến đường mới đi qua vùng phát triển công nghiệp, dân cư đô thị rất nhiều tiềm năng, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới. Đây là công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được phát biểu tại lễ khởi công
Theo đó, ĐT.830E có tổng mức đầu tư 3.707 tỉ đồng. Quy mô giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành dọc theo tuyến, mỗi đường song hành gồm 2 làn xe hỗn hợp rộng 7m, 1 làn xe thô sơ rộng 2,5m và đầu tư các cầu vượt sông trên đường song hành 2 bên. Phần đường nối ra ĐT.830 với quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, rộng 20m, nền đường rộng 30m. Ở giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc 8 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều 2 làn). Nguồn vốn xây dựng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.
Sau khi tuyến ĐT.830E được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo trục kết nối giao thông từ các tuyến đường tỉnh của địa phương với Quốc lộ 1, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, ĐT.830C, ĐT.830. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông qua nội ô thị trấn Bến Lức, tăng cường kết nối giao thông với mạng lưới đường bộ quốc gia và TP.HCM. Đồng thời, kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Hiệp Phước - TP.HCM, cũng như cảng Quốc tế Long An thông qua đường ĐT.830 đã được đầu tư hoàn thành.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành liên quan trong việc triển khai, lựa chọn các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công, giám sát,… để thực hiện dự án. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng của dự án đã sẵn sàng chấp hành và đồng thuận với chủ trương của tỉnh, sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị triển khai dự án.
Đây là công trình quan trọng của tỉnh, có yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và thẩm mỹ rất cao. Do vậy, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, giám sát cần tập trung kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt quy trình thực hiện, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, an toàn trong thi công để hoàn thành công trình đúng tiến độ với chất lượng tốt và thẩm mỹ cao.
Các đơn vị thi công tập kết trang thiết bị phục vụ thi công một cách tốt nhất
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu, Sở Giao thông Vận tải phải thường xuyên giám sát, theo dõi, hỗ trợ đơn vị thi công thực hiện theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình; UBND các huyện liên quan tiếp tục tập trung thực hiện các khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng, công tác thu hồi đất, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân phải thực sự hợp lý, thỏa đáng nhất.
Long An có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, tiếp giáp với TP.HCM, là trung tâm đô thị năng động và phát triển nhất cả nước, vừa là cửa ngõ nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ, có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhiều dự án đô thị, trung tâm thương mại đã, đang và sẽ đi vào hoạt động. Qua đó, Long An trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Minh chứng tình hình phát triển doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 có tín hiệu tích cực.
Trong quí I, có tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 350 và khoảng 600 hộ kinh doanh, với tổng vốn khoảng 4.600 tỉ đồng; cấp mới 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 13.300 tỷ đồng; cấp mới 17 dự án FDI, tổng vốn đăng ký mới khoảng 180 triệu USD. Với kết quả này, Long An đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút FDI và là một trong những tỉnh, thành phố có nhiều khu, cụm công nghiệp nhất trong cả nước.
Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Long An liên tục đón nhận tin vui. Mới đây, theo công bố Chỉ số PCI của Long An năm 2022 đạt 68,45 điểm (tăng 1,87 điểm so với năm 2021), Long An vinh dự góp mặt trong top 10 các tỉnh, thành phố có Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất năm 2022.
Đồng thời, năm 2022, Long An được xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính với 87,42 điểm, tăng 14 hạng so với năm 2021 (87,2 điểm, hạng 22).
Với những nỗ lực của chính quyền tỉnh, kỳ vọng, sau khi ĐT.830E hoàn thành, Long An có thêm lực hút doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng tỉnh trong phát triển KT-XH.
Các đơn vị thi công tài trợ cho các địa phương có dự án đi qua 8 căn nhà đại đoàn kết
Dịp này, các đơn vị thi công tài trợ cho các địa phương có dự án đi qua 8 căn nhà đại đoàn kết trị giá 480 triệu đồng.
Đức Quý