Thị trường bất động sản thời gian tới sẽ vận động ra sao? Những yếu tố nào giúp thị trường tích cực hơn trong ngắn hạn? Đây là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay.
Cụ thể, theo Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực yếu tố thông tin có tác động rõ nhất đến thị trường bất động sản. "Làm bất động sản mà không có thông tin thì sao làm được", ông Lực nhấn mạnh. Ông Lực cũng đánh giá cao các báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn với những thông tin đa chiều và thú vị.
Yếu tố quan trọng thứ hai là vấn đề pháp lý. Nếu tháo gỡ được pháp lý sẽ có hàng nghìn dự án bất động sản được giải tỏa, hàng tỷ đô đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bổ sung vài trăm nghìn việc làm... Do đó pháp lý là vấn đề vô cùng quan trọng cũng là vướng mắc lớn trong thời gian qua, đặc biệt tại hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM khiến nguồn cung bị mắc kẹt. Dẫn lời ông Joe Thor - Giám đốc điều hành, PropertyGuru Datasense, ông Lực cho biết nguồn cung căn hộ hơn 2 năm rưỡi vừa qua chỉ tăng 2% nhưng nhu cầu tăng 35%, chứng tỏ cung - cầu không gặp nhau khiến giá bị đẩy lên. Giá căn hộ trong hơn 2 năm qua tăng trung bình 18% tuy không bằng Singapore nhưng cũng là mức tăng khá cao.
Yếu tố tiếp theo tác động đến thị trường là kinh tế vĩ mô. Người dân sẽ khó có thể mua nhà khi kinh tế tăng trưởng âm, mất việc làm và giảm thu nhập. Ông Lực nhận định, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng phục hồi tốt hơn. Năm ngoái kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn thế giới do tập trung phòng chống dịch quyết liệt với biến thể delta trong quý 2, 3. Quý 3/2021 tăng trưởng âm 6%, đến quý 4 Chính phủ phải điều chỉnh chiến lược với nghị quyết 128 nên kinh tế đã hồi phục trở lại. Kịch bản năm nay kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8-7,1%, như vậy mức 7% là khả thi.
Kinh tế vĩ mô, pháp lý, khả năng kiểm soát lạm phát... đều đang có những tác động tích cực với thị trường BĐS nửa cuối năm 2022
Ngoài 3 yếu tố chính kể trên, vấn đề lạm phát cũng tác động đến diễn biến của thị trường bất động sản. Thu nhập giảm do lạm pháp khiến mọi người tiết giảm chi tiêu, đầu tư, quay về các kênh đầu tư an toàn... Dưới tác động của lạm phát, xu hướng dịch chuyển đầu tư, tiêu dùng đã thay đổi rất rõ thời gian vừa qua. Dự báo năm nay lạm phát trên thế giới ở mức cao, khoảng 6%. Tuy nhiên tình hình tại Việt Nam khả quan hơn, dự báo mức độ lạm phát khoảng 3,8-4,2%, đây là mức có thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng chưa làm tốt về quy hoạch, các thông tin thiếu minh bạch và bị lợi dụng để thổi giá bất động sản. Đối với yếu tố tài chính, ngoài thuế - phí, cũng cần xem xét các dòng vốn đổ vào bất động sản ngoài ngân hàng như tiền tiết kiệm, kiều hối...
Nhìn chung từ những yếu tố tác động kể trên, ông Lực dự báo thị trường bất động sản thời gian tới sẽ tích cực lên sau giai đoạn tương đối trầm lắng trong khoảng 2 quý vừa qua.
Các diễn giả trong phiên tọa đàm công bố báo cáo thị trường quý 2/2022 tại Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn bổ sung, vấn đề bức xúc của thị trường hiện nay chính là dòng vốn. Thị trường khỏe mạnh khi các doanh nghiệp khỏe mạnh, mà doanh nghiệp chỉ khỏe mạnh khi có dòng vốn đủ vững để tiếp tục thực hiện dự án cung cấp thêm nguồn cung cho thị trường. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, lực cầu của thị trường hiện vẫn tốt thậm chí tốt hơn giai đoạn dịch. Câu chuyện là cần khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp có thể tiếp tục triển khai dự án, mở rộng nguồn cung cuối năm nay. Các địa phương có thể xem xét cho doanh nghiệp huy động thêm vốn thực hiện dự án thông qua các quy định về trái phiếu...
Ông Quốc Anh nhấn mạnh thêm, tính minh bạch cũng tác động nhiều đến sức khỏe của thị trường bất động sản. Thị trường hiện đang phân mảnh, làm sao để có thông tin thống nhất, chính xác cũng là yêu cầu để minh bạch thị trường.
Đức Quý