Đồ án Quy hoạch chung Xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 (đang được TPHCM thực hiện) xác định 2 hướng phát triển đô thị chính của thành phố là Đông và Nam, 2 hướng phụ là Bắc - Tây Bắc và Tây - Tây Nam.
Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều chuyên gia khi góp ý cho việc điều chỉnh đồ án quy hoạch nêu trên, đã đề xuất TPHCM nên xác định lại hướng phát triển không gian đô thị chính là Đông và Bắc - Tây Bắc.
Quốc lộ 22, đoạn qua xã Tân Phú Trung, Củ Chi.
Đã có quy hoạch khu đô thị Tây Bắc
Hướng Nam do nằm trong khu vực thấp trũng, gần biển là hướng thoát nước chính của thành phố, nền địa chất yếu nên chỉ phát triển đô thị một cách có chọn lọc. Cùng với hướng Tây - Tây Nam, hướng Nam nên là hướng phát triển phụ. Cùng quan niệm với nhiều chuyên gia, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cũng cho rằng, nên xác định hướng Tây - Tây Bắc là phát triển đô thị chính của TPHCM trong thời gian tới. Hướng phát triển này cùng với hướng Đông - thành phố Thủ Đức sẽ trở thành 2 khu vực phát triển đô thị mạnh mẽ của thành phố.
Khu vực Tây Bắc hiện là một trong những khu vực có quy mô rộng lớn bậc nhất thành phố. Khu vực này kết nối với trung tâm hiện hữu qua hệ thống giao thông như sau: đô thị đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ (QL) 22, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, QL 13, tỉnh lộ 8. Qua cao tốc TPHCM - Mộc Bài và một số đường liên tỉnh khác, thành phố Tây Bắc sẽ kết nối với huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Đức Hòa (Long An). Như vậy, khu vực Tây Bắc có nhiều tiềm năng sẽ là trung tâm nối kết của vùng phía Tây chứ không đơn thuần “quanh quẩn” địa giới hành chính của TPHCM.
Thế nhưng cũng phải nói, việc phát triển đô thị ở khu vực Tây Bắc thật ra đã được xác định trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM mà hiện thành phố đang thực hiện dưới tên gọi đô thị vệ tinh Tây Bắc. Đô thị này có diện tích quy hoạch 6.000ha bao trùm hai huyện Hóc Môn, Củ Chi. Lãnh đạo TPHCM cũng đã nhiều lần tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị này.
Lãnh đạo huyện Củ Chi cũng đã đề nghị TPHCM có chủ trương xây dựng thành phố Củ Chi, phát triển Củ Chi theo hướng đô thị vệ tinh của TPHCM trên cơ sở liên kết 3 quận, huyện (huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12). Việc trở thành “thành phố” sẽ là cơ sở để xử lý các vấn đề kìm hãm sự phát triển của huyện, cũng như của khu vực lâu nay. Đó là quy hoạch đầu tư lại mạng lưới giao thông để đáp ứng yêu cầu phát triển; xây dựng một cảng sông làm logistics phục vụ các khu công nghiệp ở địa bàn và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh; đồng thời, kết hợp làm cảng du thuyền phục vụ du lịch. Huyện Củ Chi cũng mạnh dạn đề xuất, cho phép chuyển phần diện tích đất nông nghiệp theo lộ trình giảm dần, bởi diện tích Củ Chi rộng gần bằng tất cả quận của TPHCM, cả huyện có tới 76% là đất nông nghiệp. Trong khi, 1ha đất công nghiệp tạo ra giá trị 42 tỷ đồng/năm thì 1ha đất nông nghiệp tại Củ Chi chỉ tạo ra 500 triệu đồng.
Một góc nhìn khác, cả khu vực rộng lớn từ quận 12, qua Hóc Môn, lên Củ Chi hay mở rộng sang Tây Ninh… cho tới thời điểm này, dù đã được TPHCM kêu gọi đầu tư nhưng nhiều dự án lớn vẫn chỉ nằm trên giấy. Một thời, khu vực xôn xao với dự án Khu đô thị đại học do Công ty Berejya (Malaysia) đầu tư với quy mô trên 800ha, nhưng cũng chưa thấy. Xa hơn, “thành phố mặt trời” - tên gọi hoành tráng nhằm chỉ khu vực sát cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) một thời hút khá nhiều doanh nghiệp tại TPHCM lên đầu tư, nhưng sau này siêu thị miễn thuế đóng cửa thì hàng chục dự án bất động sản với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng bị cỏ lác bao phủ!
Động lực nào cho khu vực Tây Bắc phát triển?
Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, kế hoạch xây dựng đô thị vệ tinh Tây Bắc đã có trong quy hoạch. Như vậy có thể nói, đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc đã có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, động lực để phát triển cho khu vực Tây Bắc sẽ là gì?
Trở lại với thành phố Thủ Đức, ông Hoàng Minh Trí kể, năm 2010, Thủ tướng duyệt quy hoạch chung TP đã đồng ý cho thành lập thành phố phía Đông. Theo đó, nơi đây có 3 động lực gọi là “khoa học công nghệ” gồm khu công nghệ cao để thực hành, đại học quốc gia để đào tạo nhân lực, về văn hóa xã hội thì có khu lịch sử văn hóa. Tức là, thành phố Thủ Đức có động lực rõ ràng, rất đơn giản cho việc thu hút đầu tư, hội tụ phát triển. Như vậy, nếu muốn phát triển đô thị ở khu vực Tây Bắc, phải tìm cho được động lực chính để thu hút đầu tư, để cư dân sinh sống, phát triển phồn thịnh.
Thực tế cho thấy, nếu không có động lực, chỉ dừng lại ở việc “phân lô bán nền hoặc xây nhà ở chung chung” thì thành phố sẽ trở nên èo uột. Như thành phố mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương), bao nhiêu năm hình thành vẫn chưa thu hút được cư dân; hoặc thành phố Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) mặc dù đã quy hoạch nhưng chỉ phân lô bán nền tràn lan và đến nay vẫn chưa có người dân tụ cư. Do đó, việc hình thành thành phố thì dễ nhưng chúng ta phải tìm cho được động lực, hay như ông bà nói tổng kết “đất lành chim đậu”.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đoàn Chính Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, hoàn toàn ủng hộ việc phát triển đô thị mạnh mẽ ở khu vực Tây Bắc. Đầu tiên, đây là ý tưởng rất tốt cho sự phát triển của TPHCM. Nhìn TP 4 hướng, Đông và Bắc có thành phố Thủ Đức, phía Nam đã có Phú Mỹ Hưng; riêng phía Tây Bắc phát triển rất trì trệ so với các khu vực khác.
Như vậy, muốn phát triển cho cân bằng, góp phần giãn dân, thành phố nên định hướng phát triển mạnh mẽ cho khu vực này. Lợi thế đặc biệt của nơi đây là lượng phân bổ dân cư rất thấp và quỹ đất còn rất nhiều, rất rẻ, chuyển đổi mục đích dễ dàng. Đặc biệt, cao tốc TPHCM - Mộc Bài nối liền với Campuchia sẽ mở rộng điều kiện phát triển kinh tế cho khu vực; thêm tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn sẽ giúp cả khu vực này giao thương thuận lợi.
Đức Quý