Sáng 27/2/2021 tại hội nghị gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vui mừng khi thời gian làm thủ tục đầu tư, pháp lý dự án được rút ngắn xuống còn 11 tháng trong khi trước đây mất từ 3-5 năm. Thậm chí có dự án mất hơn 10 năm mới có thể triển khai.
TP. HCM sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án bất động sản còn 11 tháng
Dự án không phải mòn mỏi chờ thủ tục
Tại hội nghị này, UBND TP. HCM thống nhất quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm bốn bước với tổng thời gian 215 ngày làm việc, tương đương 11 tháng.
Bước 1: Thẩm định và phê duyệt thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (35 ngày). Chủ trì là Sở Kế hoạch Đầu tư.
Bước 2: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (40 ngày). Chủ trì là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện.
Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất (20 ngày), hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (15 ngày) theo quy định của Luật Đất đai 2013. Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.
Bước 4: Thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư (35 ngày); thẩm định thiết kế cơ sở (20 ngày) và cấp phép xây dựng (20 ngày), Chủ trì là Sở Xây dựng. Đồng thời với thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (45 ngày). Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.
Nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý được đại diện doanh nghiệp BĐS TP.HCM nêu ra tại hội nghị sáng 27-2.
"Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) rất hoan nghênh và cảm ơn Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan đã lắng nghe và thấu hiểu, thống nhất với Hiệp hội về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng và thời gian thực hiện từng thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy còn có thể tích hợp theo phương thức thực hiện song song, đồng thời một số thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính hơn nữa.
Ví dụ trong thời gian 35 ngày thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư tại Sở Xây dựng thì có thể thực hiện song song, đồng thời các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng" - ông Châu ý kiến.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho hay trước đây, để hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án tiến hành triển khai xây dựng phải mất cả ngàn ngày thì nay đã giảm tới 40% thời gian. Lãnh đạo DN chuyên phát triển dự án nhà ở xã hội cho biết đã mất 3-5 năm nằm chờ hoàn thiện thủ tục dự án giờ mới làm được bước đầu tiên.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ: "Nhiều DN không muốn làm dự án nhà ở xã hội vì vướng mắc nhiều thủ tục".
Dù thời gian làm thủ tục dự án đã rút ngắn xuống 11 tháng nhưng ông Nghĩa lo ngại vướng mắc có thể kéo dài. Khoảng thời gian trao đổi văn bản phối hợp sở ngành với các quận, huyện không thể dự trù được.
Ví dụ khi gặp một vướng mắc, sở chủ trì phải gửi văn bản lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện cũng phải mất thời gian sơ sơ từ 3-6 tháng.
"UBND TP.HCM cần quy định rõ hơn thời gian làm thủ tục và có chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện đúng quy trình" - ông Nghĩa góp ý.
Chủ tịch TP chỉ đạo giải quyết từng vướng mắc
Chia sẻ với những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án BĐS tại TP.HCM bị chậm giải quyết thủ tục trong thời gian qua.
Những năm qua, TP phải tiếp rất nhiều đợt thanh tra kiểm tra, chưa nói kiểm toán.
Ví dụ như đoàn của Thanh tra Chính phủ thanh tra 164 dự án, đa phần là dự án BĐS. Như vậy, 164 dự án trên đều phải dừng thực hiện các thủ tục vì phải tiếp và giải trình việc tham mưu để triển khai các dự án. Từ đó dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
"Hay các dự án liên quan đến việc thực hiện đầu tư hạ tầng theo phương thức xây dựng chuyển giao (BT). Hiện nay các dự án BT không còn triển khai nữa, các dự án BT đang thực hiện dở dang được chuyển sang thực hiện theo nghị định 69 năm 2019.
Thế nhưng TP.HCM đang triển khai thực hiện nghị định 69 rất khó khăn nên các dự án bị đình trệ. Đây là chuyện ngoài mong muốn" - ông Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp BĐS tại hội nghị.
Theo ông Phong, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn đến từ TP cũng có mà từ trung ương cũng có. TP đã có những chỉ đạo yêu cầu các sở ngành phải chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. Doanh nghiệp khi triển khai dự án thì phải vay vốn rất nhiều, đình lại một ngày thì doanh nghiệp phải trả lãi suất, thiệt hại rất lớn.
Chủ tịch TP.HCM cho biết BĐS là một trong chín ngành dịch vụ quan trọng của TP. Nếu không giải quyết kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp thì sẽ tác động đến thị trường và ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.
Trên cơ sở các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở ngành và phía doanh nghiệp đang gặp vướng mắc để giải quyết từng vấn đề và có báo cáo UBND TP.
"Về 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư giao Giám đốc Sở KH-ĐT nghiên cứu hồ sơ báo cáo tổ công tác đầu tư của TP các nội dung trên, chậm nhất đến ngày 15-4 phải xong.
Những vấn đề nào xong triển khai ngay cho doanh nghiệp. Như vụ 110 căn biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát đã có kết luận thanh tra, đã rõ ràng phải cho phép doanh nghiệp triển khai trở lại không để chậm nữa” - ông Phong nhấn mạnh.
Đức Quý