Cùng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết kết nối Bình Thuận với TP.HCM, sân bay Phan Thiết giải quyết được bài toán giao thông, giúp tỉnh phát huy thế mạnh về du lịch. Dự kiến giai đoạn 1 của sân bay Phan Thiết được đưa vào sử dụng cuối năm 2023 với lượng hành khách ước tính 500.000 người một năm. Tổng vốn cho giai đoạn 1 là 3.800 tỷ đồng.
Cảng hàng không Phan Thiết nằm tại xã Thiện Nghiệp, phía Đông Bắc TP Phan Thiết, cách trung tâm thành phố khoảng 19 km và cách khu du kịch Hàm Tiến, Mũi Né khoảng 8 km. Vị trí sân bay thuận lợi trong việc tiếp cận các trục giao thông chính của tỉnh cũng như tuyến Quốc lộ 1.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, đây là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng dùng chung dân dụng và quân sự, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm.
Bộ Quốc phòng là cơ quan có thẩm quyền với khu bay quân sự và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan có thẩm quyền với hạng mục hàng không dân dụng.
Khi thi công sân bay Phan Thiết, đền bù và giải phóng mặt bằng rất phức tạp và tốn thời gian nhiều nhất. Bình Thuận mất gần 8 năm để hoàn thành công tác này. Đến đầu năm 2022, tỉnh bàn giao 546 ha để xây dựng công trình, trong đó mặt bằng sân bay 543 ha và đường dẫn bay 2,6 ha. Bình Thuận cũng bàn giao cho Bộ Quốc phòng quản lý 150 ha (khu vực quân sự) và 247 ha diện tích đất khu bay dùng chung cho cả quân sự và dân sự.
Đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay và đài dẫn đường cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu san lấp mặt bằng, thi công đường băng, đường lăn. Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai những bước tiếp theo của dự án.
Công trường dự án sân bay Phan Thiết vào tháng 8
Chiều 30/8, trong chương trình công tác tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết, tháo gỡ tại hiện trường các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra với dự án này.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận di dời sớm các công trình điện, hạ tầng, chậm nhất tháng 12 phải hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tỉnh cần giải quyết vấn đề về mỏ vật liệu xây dựng, hoàn thành trong tháng 10.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho ý kiến giải quyết vướng mắc liên quan tới quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan), đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển, khai thác nguồn điện mặt trời, điện gió ngay trong khu vực để bảo đảm điện cho sân bay hoạt động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại mức đầu tư của hạng mục nhà ga hành khách dân dụng và năng lực chủ đầu tư BOT hạng mục này. Nếu chủ đầu tư đáp ứng yêu cầu, tiếp tục triển khai, nếu không đáp ứng yêu cầu, cần tiến hành đấu thầu chọn chủ đầu tư khác.
Dự kiến giai đoạn 1 của sân bay Phan Thiết được đưa vào sử dụng cuối năm 2023 với lượng hành khách ước tính 500.000 người một năm. Tổng vốn cho giai đoạn 1 là 3.800 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết là động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Cùng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (nối liền với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), cảng hàng không giải quyết được bài toán giao thông, giảm tải áp lực cho Quốc lộ 1A.
Sự phát triển mạnh về giao thông cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không là cú huých cho du lịch Bình Thuận - nơi có khí hậu nắng ấm với trung bình hơn 300 ngày nắng một năm, cùng đặc sản biển xanh, cát trắng, nắng vàng, cảnh đẹp và rất nhiều resort, khu du lịch nghỉ dưỡng.
Đức Quý
Nguồn https://cafef.vn/