Để đẩy nhanh tiến độ dự án vành đai 3, Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương về việc huy động vốn ngân sách (Trung ương và địa phương) tham gia dự án. Đồng thời thống nhất cơ quan chủ trì báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
Lý do, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chưa nói rõ khả năng huy động vốn cũng như không bố trí vốn ngân sách địa phương để xây dựng tuyến Vành đai 3 qua địa phận tỉnh. Theo đó, UBND Tp.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo về việc huy động nguồn vốn ngân sách cho dự án để có cơ sở triển khai dự án này.
Trong kiến nghị, UBND Tp.HCM nhấn mạnh dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 3 là dự án lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, liên quan nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ưu tiên hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Do đó, để đầy nhanh tiến độ dự án, Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương về việc huy động vốn ngân sách (Trung ương và địa phương) tham gia dự án. Đồng thời thống nhất cơ quan chủ trì báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
Trước đó, khi cho ý kiến về dự án, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh đang tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 nên không còn vốn để triển khai dự án. Do đó tỉnh này đề nghị tính toán lại tổng chi phí đầu tư có bổ sung chi phí GPMB (bao gồm đường Vành đai 3 và đường song hành), chi phí đầu tư xây dựng đường song hành vào dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP. Trong đó tính toán phần vốn góp tối đa của tỉnh Đồng Nai là huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Riêng UBND tỉnh Bình Dương trong văn bản phản hồi chưa nêu rõ phương án huy động vốn.
Với những ý kiến này, UBND Tp.HCM nhận định chưa đủ cơ sở để Tp.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND TP là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức hợp tác công tư và hướng dẫn của Bộ GTVT trước đó.
Dự án khép kín đường Vành đai 3 có tổng chiều dài là 89,3km (trong đó đoạn qua TP HCM là 47,62km, Bình Dương 25,93km, Đồng Nai 11,3km, Long An là 6,81km). Các tuyến nối có tổng chiều dài 8,3km (nhánh nối vào nút giao Thủ Đức, TP HCM dài 5,88km và nhánh nối vào KCN Ông Kèo, tỉnh Đồng Nai dài 2,42km).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 93.000 tỉ đồng (chưa gồm lãi vay), đến giai đoạn hoàn thiện (bao gồm tuyến kết nối với nút giao Thủ Đức bà tuyến nối vào KCN Ông Kèo) là 165.256 tỉ đồng.
Đức Quý
Nguồn https://cafef.vn/